Armand
V. Feigenbaum (1922-)
Khi nói đến
chất lượng thì khó mà không nhắc tới Armand V. Feigenbaum, người sáng tạo ra
thuật ngữ Kiểm soát Chất lượng Toàn diện - ngày nay được biết đến là Quản lý
Chất lượng Toàn diện (TQM) và góp phần phát triển nó trong hơn 60 năm qua.
Kiểm soát chất lượng toàn diện - nền
móng của việc quản lý hiện đại - được áp dụng rộng rãi như một triết lý hoạt
động rõ ràng trong tất cả các ngành kinh tế. Thành công thương mại của nó là
không thể chối bỏ được khi có một số lượng lớn những người ủng hộ triết lý này trong
cộng đồng kinh doanh toàn cầu.
Feigenbaum là một trong những kỹ sư
đầu tiên sử dụng ngôn ngữ quản lý, ôÂng cũng là một trong những chuyên gia chất
lượng đích thực trên thế giới. Vào năm 1937, ông bắt đầu sự nghiệp tại General
Electric (GE) ở chức phận là thợ học việc sản xuất dụng cụ và tập sự quản lý
trong nhóm tuốc bin, động cơ và máy biến thế.
Trong thế chiến thứ hai, GE là nhà
cung cấp chính cho quân đội và Feigenbaum - vào độ tuổi 23 - đóng vai trò quan
trọng trong những nỗ lực này; ông điều hành việc kiểm soát chất lượng. Để ghi
nhận thành tựu sớm có của ông, ASQ đã làm một huy chương khắc tên ông để công
nhận những chuyên gia trẻ tuổi, những người gặt hái những thành quả đột phá như
vậy. Huy chương Feigenbaum được trao tặng cho những chuyên gia ở độ tuổi trước
35 thể hiện những phẩm chất tiêu biểu của người lãnh đạo, chuyên nghiệp và có
tố chất về quản lý chất lượng, và những việc làm của họ đã và sẽ trở thành lợi
ích nổi bật cho loài người.
Năm 1958, Feigenbaum được thăng chức
làm quản lý cấp cao tại trụ sở đầu não của tập đoàn GE tại New York. Bắt đầu từ
vị trí này, ông đã phát triển, quản lý hoạt động sản xuất và những nỗ lực cải
tiến chất lượng của công ty trên toàn thế giới.
Ông làm việc tại GE cho đến khi về
hưu vào năm 1968. Trong những năm tháng làm việc tại đây, Feigenbaum học chuyên
ngành kỹ thuật tại trường cao đẳng Union ở Schenectady, New York, và sau đó học
thạc sĩ về kỹ thuật và làm tiến sĩ kinh tế tại học viện công nghệ
Massachusetts.
Trong suốt 31 năm làm việc tại GE,
Feigenbaum đã giúp sáng lập ra Học viện Chất lượng Quốc tế. Vào thời gian đó,
ông viết cuốn sách bán chạy nhất của mình, Kiểm soát chất lượng toàn diện. Lần
đầu tiên được xuất bản vào năm 1961, và nay được ấn bản lại lần thứ tư, cuốn
sách này mô tả những nguyên lý về chất lượng toàn diện, đã được dịch ra nhiều
ngôn ngữ chính và là đóng góp vĩ đại nhất trong sự nghiệp của Feigenbau.
Ngoài việc tên của ông được đặt cho
huy chương của ASQ, Feigenbaum còn nhận được rất nhiều giải thưởng và huy
chương bởi những nỗ lực về chất lượng của ông. Giải thưởng mới nhất được trao
vào năm 2008, khi ông được xướng danh là người dành Huy chương quốc gia về công
nghệ và đổi mới, và được công nhận vì sáng tạo ra nguyên lý về chất lượng toàn
diện và ảnh hưởng của nó đến xã hội.
Thậm chí bây giờ, ở tuổi 9S0,
Feigenbaum vẫn tiếp tục phát triển những lý thuyết chất lượng cùng với em trai
của mình là Donald, tại công ty của họ là General Systems Co. ở thành phố quê
nhà Pittsfield, MA. A.V. Feigenbaum giữ cương vị tổng giám đốc điều hành, công
ty phục vụ các khách hàng trên thế giới, chuyên thiết kế các hệ thống kỹ thuật
và cung cấp độc quyền về những hệ thống TQM.
Trích
lời Feigenbaum
- "Đặc điểm quan trọng nhất của một chương trình chất lượng tốt là nó có thể quản lý được chất lượng tận gốc."
- "Kiểm soát chất lượng toàn diện là một hệ thống hiệu quả. Nó là sự kết hợp giữa phát triển chất lượng, duy trì chất lượng và nỗ lực cải tiến chất lượng của nhiều nhóm khác nhau trong cùng một tổ chức để thúc đẩy sản xuất và dịch vụ ở nhiều cấp độ nhằm thỏa mãn đầy đủ yêu cầu của khách hàng."
- "Chất lượng là tập hợp tất cả đặc tính của sản phẩm và dịch vụ từ tiếp cận thị trường, kỹ thuật, sản xuất và bảo hành mà thông qua đó sản phẩm và dịch vụ được sử dụng sẽ đáp ứng được mong đợi của khách hàng."
Kaoru
Ishikawa (1915-1989)
Kaoru Ishikawa
có lẽ được biết đến nhiều nhất vì tên của ông được đặt cho một công cụ chất
lượng: Biểu đồ Ishikawa, hay còn được gọi là Biểu đồ Xương cá hoặc Biểu đồ Nhân
quả. Là một trong bảy công cụ chất lượng cơ bản, biểu đồ này chỉ ra nhiều
nguyên nhân có thể nảy sinh của một vấn đề hay ảnh hưởng nào đó và nó thường
được sử dụng ở giai đoạn động não.
Nhưng Ishikawa còn gặt hái được
nhiều thành công hơn nữa ngoài việc phát triển khái niệm Biều đồ Xương cá. Ông
tốt nghiệp trường đại học Tokyo với tấm bằng kỹ thuật hóa chất ứng dụng và sau
đó quay trở lại dạy học ở cương vị phó giáo sư. Ishikawa viết 647 bài báo và 31
cuốn sách, trong đó có hai cuốn được dịch sang tiếng Anh: Giới thiệu về quản lý
chất lượng, Kiểm soát chất lượng toàn diện là gì? và Con đường của Người Nhật.
Ishikawa tham gia vào Nhóm các nhà
nghiên cứu chất lượng tại Hiệp hội các Nhà Khoa học và Kỹ sư Nhật Bản (JUSE)
vào năm 1949, phát triển và dạy khóa học kiểm soát chất lượng cơ bản đầu tiên
của nhóm. Tại JUSE, ông bắt đầu tìm hiểu sâu về kiểm soát chất lượng.
Ishikawa là nhà tiên phong về chất
lượng tại Nhật Bản. Ông có trách nhiệm chính trong việc dịch những bài học thủa
ban đầu của W. Edwards Deming và Joseph M. Juran thành một phương pháp tiếp cận
về cải tiến chất lượng. Những nội dung này được thay đổi một cách đặc biệt để
dành cho người Nhật.
Ông cũng là người tham gia vào những
nỗ lực nhằm phát triển những ý tưởng về chất lượng trong ngành công nghiệp Nhật
Bản và người tiêu dùng. Trong hơn 30 năm, Ishikawa đảm nhiệm cương vị là chủ
tịch Hội đồng Kiểm soát Chất lượng của Hội nghị Quốc gia tại Nhật bản và đóng
vai trò chủ chốt trong việc mở rộng phạm vi của hội nghị này.
Một thành tựu quan trọng khác của
Ishikawa là phát động phong trào Nhóm Chất lượng tại Nhật Bản vào 1962. Nỗ lực
này bắt nguồn từ niềm tin của Ishikawa rằng tất cả người lao động đều phải tham
gia vào những nhóm cải tiến chất lượng để tăng cường năng lực cá nhân của công
nhân và cải thiện quy trình làm việc.
Ông cũng cho rằng tất cả mọi công
việc được thực hiện phải có những hành động ngăn chặn và đúng đắn để gợi mở và
giải quyết những vấn đề theo dòng chảy từ quan điểm thấu hiểu khách hàng, nhằm
tạo ra cách thức hoạt động mang lại lợi ích nhiều nhất có thể so với đồng vốn
bỏ ra. Ý tưởng và việc sử dụng những Nhóm Chất lượng(QCC) này phát triển không
chỉ ở Nhật Bản mà còn lan rộng sang hơn 50 quốc gia khác nữa.
Trong khi ý tưởng tập trung vào
khách hàng là vẫn nguyên lý cơ bản và dần trở thành một quy chuẩn thì Ishikawa
là người chỉ rõ rằng khách hàng chỉ là lý do duy nhất để một doanh nghiệp tồn
tại.
Biểu đồ xương cá và QCC là một vài
trong số những công cụ quan trọng mà Ishikawa phát triển, nhưng vai trò cốt yếu
của ông chính là giúp tạo ra một chiến lược chất lượng cụ thể cho Nhật Bản. Đây
có lẽ là đóng góp quan trọng nhất. Phương pháp tiếp cận của người Nhật chú
trọng vào sự tham gia rộng rãi về chất lượng - không chỉ từ lãnh đạo đến nhân
viên trong một tổ chức, mà còn là từ lúc bắt đầu đến khi kết thúc của vòng đời
sản phẩm.
Ishikawa mất năm 1989, nhưng sự
nghiệp và huyền thoại về ông vẫn còn mãi. Vào 1993, ASQ đã lập nên Huy chương
Ishikawa. Giải thưởng này, được trao tặng hàng năm, nhằm công nhận những cá
nhân hoặc nhóm mà công trình của họ có tác động tích cực đến khía cạnh con
người của chất lượng.
Hơn thế nữa, ý tưởng của Ishikawa về
"Cách mạng tư duy" - những ý tưởng mới về chất lượng có thể giúp hồi
sinh nền công nghiệp - tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong tư tưởng về chất
lượng. Khái niệm giải quyết những vấn đề thực tiễn trong khuôn khổ triết lý
rộng lớn hơn là điều gì đó mà các chuyên gia về chất lượng cần tiếp tục thực
hiện.
Trích
lời Ishikawa
- "Thất bại là hạt giống của thành công."
- "Các công ty tồn tại trong một xã hội vì mục đích làm thỏa mãn con người trong xã hội đó."
- "Một công ty không tốt hơn cũng không xấu hơn những người lao động mà nó có."
Các bài viết chuyên về Chất lượng rất tốt.
Trả lờiXóaCác Blog chuyên đề sẽ rất có ích cho Cao su Việt, làm phong phú Blog Cty. Cảm ơn bạn.
Vâng, trong thời gian tới mình sẽ tìm hiểu thêm về các công cụ quản lý chất lượng mong mọi người chia sẻ thêm về các thành công khi sử dụng các công cụ này trong công việc.
Trả lờiXóa